Bài tham luận
Vận dụng tốc độ hội tụ theo không gian trong mô hình tăng trưởng đầu tư:
Tác động của năng lực cạnh tranh đến tăng trưởng đầu tư
của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam
———————————————————
Nguyễn Cao Anh
Khoa Tài chính – Kế toán, trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Trương Nguyễn Hiếu
Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Tây Ninh
Tóm tắt
Tốc độ hội tụ trong lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển vận dụng trong mô hình tăng trưởng đầu tư, trong đó kỹ thuật hội tụ dựa trên tính chất cân bằng động của biến nội sinh để ước lượng tốc độ hội tụ theo không gian. Trên cơ sở dữ liệu thứ cấp được khảo sát giai đoạn 2006-2015 từ Tổng Cục Thống kê (GSO) và Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI), kiểm định tốc độ hội tụ về tăng trưởng đầu tư của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam theo hai khía cạnh: (i) tốc độ hội tụ không điều kiện, và (ii) tốc độ hội tụ có điều kiện các yếu tố năng lực cạnh tranh địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, tốc độ tăng trưởng đầu tư ước lượng đạt 26.73%/năm cao hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư cả nước 25.54%/năm, với tốc độ hội tụ của 63 tỉnh, thành phố trong mô hình hội tụ không điều kiện β=0.0926; và trong mô hình hội tụ có điều kiện không tìm thấy minh chứng về tốc độ hội tụ β, đồng thời yếu tố doanh thu là nhân tố năng lực cạnh tranh chủ đạo kích thích tăng trưởng đầu tư của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam giai đoạn 2006-2015.
Từ khóa: absolute convergence, conditional convergence, neoclassical growth.
1. Giới thiệu
Trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, việc hoạch định các chính sách vĩ mô đối với một nền kinh tế đang phát triển là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, trong đó sự tích lũy vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế là một trong những vấn đề thách thức đối với các nhà nghiên cứu khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách, trong đó vấn đề đã và đang gây tranh luận từ thập niên 90 cho đến nay là tăng trưởng đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế – xã hội (Barro, Sala-I-Martin, Blanchard và Hall, 1991; Barro và Sala-I-Martin, 1992; Mankiw, Romer và Weil, 1992; Mankiw, 1995; Sala-I-Martin, 1995, 1996, 1997, 2004; Bernard và Durlauf, 1996; Islam, 2003). Một trong cách tiếp cận của nghiên cứu cho tăng trưởng đầu tư là xác định mối quan hệ giữa tăng trưởng vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh trong mô hình hội tụ có điều kiện. Song, các vấn đề đặt ra cho nghiên cứu mối quan hệ tăng trưởng vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh về mặt lý luận nghiên cứu khoa học và thực tiễn tại Việt Nam như sau:
Về lý thuyết, mô hình kinh tế về sự tăng trưởng vốn đầu tư dài hạn trong nghiên cứu này được kế thừa chủ yếu từ lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển, một trong công trình nghiên cứu mà hầu hết các nhà kinh tế học thường đề cập: khi nói đến tăng trưởng dài hạn, thông thường các nhà kinh tế học đều nhắc đến mô hình tăng trưởng Solow (1956). Một trong những điểm mạnh của mô hình Solow là dựa vào mô hình sản xuất Cobb và Douglas (1928) giải thích sự cân bằng sự tích lũy vốn và tăng trưởng kinh tế khi một nền kinh tế đạt trạng thái ổn định, khi đó chi phí các yếu tố đầu vào (lao động hiệu dụng gia tăng, sự thay đổi công nghệ, tỷ lệ khấu hao) bằng tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế (Mankiw, Romer và Weil, 1992). Tuy nhiên, giới hạn của Solow (1956) được lý thuyết tăng trưởng nội sinh bổ sung một số phương pháp luận để lý giải bốn yếu tố còn bất cập khi vận dụng mô hình nghiên cho nhiều nền kinh tế, và chủ yếu đó là sự khác biệt công nghệ, lao động hiệu dụng, tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ khấu hao giữa các nền kinh tế. Vấn đề tranh luận này vẫn còn là một sự hoài nghi có nhiều bằng chứng thực nghiệm với đa dạng các kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy, mô hình kinh tế trong nghiên cứu này kế thừa và lý giải các vấn đề tranh luận một cách quan để hướng đến mục tiêu của chủ đề nghiên cứu: sự tăng trưởng vốn đầu tư.
Về thực tiễn, nền kinh tế của Việt Nam có mức thu nhập ở ngưỡng thấp đến trung bình, trong khi các biến số vĩ mô còn một số vấn đề bất ổn như nợ công, tham nhũng, tăng trưởng trước nguy cơ lạm phát, biến động giá cả thế giới. Trong thời gian qua, các vấn đề của nền kinh tế đang đối mặt để tự thích nghi và hoàn thiện dần theo xu hướng hội nhập quốc tế: sự đánh đổi nguồn lực cho tăng trưởng và ổn định; vị thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và xu hướng hội tụ theo khu vực và quốc tế. Để tháo gỡ các nút thắt này, một trong các vấn đề cần được khắc phục là cải thiện môi trường cạnh tranh của địa phương, đã và đang được Chính phủ quan tâm nhằm hỗ trợ thúc đẩy các chính sách kinh tế vĩ mô thực thi và ổn định kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, vai trò của chính quyền địa phương, năng lực cạnh tranh và cơ chế linh hoạt của từng địa phương vẫn còn giới hạn để tạo bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng đầu tư.
Trên cơ sở đó, việc xác định mối quan hệ dài hạn giữa tăng trưởng vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp địa phương là cần thiết trong bối cảnh nghiên cứu hiện nay. Việc vận dụng phương pháp luận sự hội tụ trong mô hình tăng trưởng đầu tư là điểm then chốt trong nghiên cứu này. Phương pháp luận được phân tích dựa trên nền tảng lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển (Solow, 1956; Mankiw, Romer, và Weil, 1992) và một phần lý thuyết tăng trưởng nội sinh (Romer, 1986). Tuy nhiên, dữ liệu trong cứu này là dữ liệu bảng (panel data). Nếu nghiên cứu sử dụng dữ liệu tại hai mốc thời điểm t=0 và t=T thì phương pháp luận sự hội tụ tương đương với phương pháp tự hồi quy khi dữ liệu được khảo sát có t=2. Nhưng mở rộng độ dài dữ liệu với t>2, kết quả nghiên cứu được sử dụng thêm phương pháp dữ liệu bảng (Pooled-OLS, FE, RE) nhằm mục đích so sánh với phương pháp sự hội tụ. Sau cùng mô hình được dụng F-test và T-test để kiểm tra ý nghĩa thống kê và đưa ra suy luận từ kết quả nghiên cứu.
Sự đóng góp của nghiên cứu về mặt lý luận khoa học là làm rõ vấn đề gây tranh luận về tăng trưởng và hội tụ (Islam, 2003), đồng thời củng cố bằng chứng thực nghiệm về việc xác định mối quan hệ dài hạn giữa tăng trưởng vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình sự hội tụ có điều kiện chỉ giải quyết vấn đề nội tại bên trong phạm vi hẹp của một quốc gia, chưa kết hợp số liệu của các quốc gia khác để ước lượng tốc độ hội tụ tăng trưởng đầu tư của Việt Nam bắt kịp theo khu vực và thế giới.
Cấu trúc của bài viết gồm ba phần cơ bản: (1) lược khảo lý thuyết về mối quan hệ giữa tăng trưởng vốn đầu tư và năng lực cạnh tranh; (2) trình bày phương pháp luận sự hội tụ vận dụng trong mô hình tăng trưởng đầu tư; (3) dẫn xuất kết quả nghiên cứu và đưa ra các suy luận. Sau cùng phần kết luận tóm lược toàn bộ nội dung nghiên cứu của bài viết.
Chi tiết bài viết xem tại: https://drive.google.com/file/d/1oYVzVcyMkgn7zn-571p7t-dAXapAj9j5/view?usp=share_link