Việc Nga tấn công Ukraine sẽ có những tác động nhất định đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Căng thẳng ở Ukraine tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?
Liên quan đến vấn đề kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao bởi tình hình căng thẳng tại Ukraine, chia sẻ với đọc giả, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam nhấn mạnh các xung đột về địa chính trị bản chất cuối cùng cũng sẽ quay về các cuộc chiến thương mại.
Tác động tiêu cực đầu tiên sẽ tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong các phiên giao dịch gần đây thị trường biến động rất mạnh, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà điều này còn xảy ra ở hầu hết các thị trường khác.
Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 24/2. (Nguồn: VNDirect).
- Tác động tiêu cực thứ hai là có thể làm gia tăng lạm phát.
Yếu tố ảnh hưởng ngay tới nền kinh tế là hoạt động giao thương giữa các nền kinh tế của Mỹ, EU và Nga, như hoạt động xuất nhẩu giữa hai khối quốc gia này. Thực tế nguồn cung ứng hiện nay của Nga cho EU phần lớn liên quan đến dầu và khí. Nếu trong trường hợp mâu thuẫn thương mại xảy ra, EU sẽ không nhập dầu và khí của Nga nữa, điều này sẽ đẩy nhu cầu dầu tăng lên tại khu vực châu Âu, khiến giá dầu tăng. Khi giá dầu tăng sẽ đẩy tình hình lạm phát của cả nền kinh tế tăng lên, không chỉ Việt Nam mà còn ở toàn cầu. Như vậy, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược, chính sách tiền tệ trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hồi phục trở lại sau đợt COVID –19.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, ông Minh cũng đề cập đến ảnh hưởng tích cực, nằm ở làn sóng dịch chuyển FDI.
Ngành nào hưởng lợi, ngành nào gặp khó?
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 có thể bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa: TTXVN).
Về ngành ảnh hưởng tích cực trực tiếp là nhóm ngành dầu khí. Trong thời gian vừa qua khi giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động khôi phục sản xuất dầu, như vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất dầu khí sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng, chi phí logistics cũng sẽ tăng cao, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản sẽ chịu nhiều tác động dẫn đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, gia tăng chi phí logistics. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng. Giá dầu tăng cao có thể khiến các nguyên vật liệu như sắt, thép cũng tăng theo. Trong kịch bản kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể trở nên khó khăn. Những điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại”.
Ngoài ra các hoạt động sản xuất, đầu tư trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng bởi khi xảy ra căng thẳng, rủi ro trong đầu tư sẽ tăng lên đáng kể, lượng tiền đổ vào các quốc gia có nguy cơ giảm đi. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Tác giả: ThS. Võ Hữu Sang