Chuyển đổi số và sự tiếp cận công nghệ số trong chương trình đào tạo của Khoa TCKT – ĐH Nguyễn Tất Thành

Hiện nay nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ với những Block-chain, Cloud, AI,… và các ứng dụng của nó vào trong mọi mặt của đời sống. Đặc biệt là khi đại dịch covid đang xảy ra khắp nơi trên thế giới đã làm thay đổi mọi phương diện ngành nghề, từ các tổ chức đến từng cá thể trong xã hội. Kế toán, tài chính ngân hàng không nằm ngoài các tác động của công nghệ số khi mà mọi những công việc hàng ngày, hàng tháng được lặp đi lặp lại như khai báo thuế, ghi chép sổ sách, lập báo cáo tài chính đang diễn ra đều đặn với những con số biết nói khi chạm đúng vào bản chất của dữ liệu. Chính điều này đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến những người làm công tác kế toán, tài chính ngân hàng nói riêng và những tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực giáo dục đào tạo kế toán, tài chính ngân hàng nói chung làm sao có thể đáp ứng được với những yêu cầu ngày càng khắt khe của các nhà tuyển dụng.

Vậy Chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số là việc chuyển đổi kiến ​​thức và thông tin tương tự trở thành một dạng kiến ​​thức và thông tin kỹ thuật số được lưu trữ. Điều này giúp việc truy cập vào kiến thức và thông tin trong thời gian thực, cho phép mọi người có thể trao đổi thông tin trên toàn cầu một cách dễ dàng hơn khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật Kane và cộng sự (2015). Hay nói cách khác, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau (Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, 2019). Chuyển đổi cũng chính là sự thay đổi về cách thức điều hành, quy trình, thủ tục, văn hóa, dựa trên nền tảng kỹ thuật số để hướng tới mục tiêu hiệu quả hơn và chắc chắn ít nhiều nó sẽ làm thay đổi quy trình, phương thức hoạt động của nhiều lĩnh vực ngành nghề hiện nay.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng sâu rộng ngày càng có nhiều doanh nghiệp triển khai các công cụ kỹ thuật số như chương trình phần mềm, công cụ trực tuyến, các giải pháp sử dụng điện toán đám mây, hội thảo trên web, lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số, thanh toán online, vay tiêu dùng online … cho ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng. Đối với ngành Kế toán, nhiều quy trình hàng ngày đã được triển khai ứng dụng công nghệ trực tuyến, các nền tảng thông minh để có thể tự động hóa; Thông tin cung cấp ra chính xác và chi tiết hơn; Việc truy cập dữ liệu được dễ dàng hơn; Dữ liệu đáng tin cậy hơn; Thông tin được lưu trữ an toàn hơn thông qua lưu trữ đám mây không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian (Đại học Southern Cross, 2016).

Chương trình đào tạo ngành kế toán và tài chính ngân hàng của ĐH Nguyễn Tất Thành đã được đã đạt được đánh giá kiểm định chất lượng từ AUN (ASEAN University Network là ngành Tài chính Ngân Hàng (năm 2019) và ngành Kế toán (năm 2022). Đồng thời được xếp hạng 04 sao theo hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics – UPM) xuất sắc đứng hạng 14 và 15 của bảng xếp hạng. Chương trình đào tạo của Khoa luôn đáp ứng được các vấn đề cốt lõi, có tác động ít nhiều đến những thay đổi trong việc thực hiện công tác kế toán, tài chính ngân hàng hiện nay để người học có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng như :

Làm việc nhóm hiệu quả: là 1 trong 4 kỹ năng quan trọng hàng đầu đối với kế toán nghề nghiệp (CAANZ, 2017). Nhân viên kế toán cần cộng tác, làm việc theo nhóm và thúc đẩy những người khác để đạt được các mục tiêu chung (EY, 2018). Nhìn chung, bộ kỹ năng này chưa được phát triển trong kế toán (CPA Australia, 2019).

Truyền đạt thông tin hiệu quả: các thông tin được tập hợp xử lý từ khối lượng dữ liệu lớn và trình bày rõ ràng cả bằng lời nói và văn bản cho các nhóm đa chức năng, ban quản lý và khách hàng. Một người kế toán cần được đào tạo nhiều cách thức giao tiếp khác nhau qua nhiều kênh và đây cũng là bộ kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với các tổ chức kế toán CAANZ, (2017).

Học tập suốt đời: do tác động của công nghệ đối với nghề nghiệp, người làm nghề kế toán phải được rèn luyện ý thức, kỹ năng học tập suốt đời và dự đoán các khả năng định hướng tương lai, liên tục đổi mới cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn, nhằm tạo ra và duy trì lợi thế vị thế của người làm công tác kế toán trên thị trường lao động.

Kỹ năng phân tích và lập kế hoạch dự phòng để đưa ra các quyết định: Hơn 3/4 trong số 100 công ty kế toán hàng đầu đã trích dẫn tư duy phản biện là bộ kỹ năng hàng đầu cho nghề kế toán CAANZ, (2019).

Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT): xu hướng gần đây các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các kế toán viên có kỹ năng CNTT, bao gồm: năng lực trong Excel, công cụ quản lý quan hệ khách hàng, phần mềm quản lý danh mục đầu tư, phần mềm thông minh kinh doanh và công nghệ dựa trên đám mây Heath, (2018). Yêu cầu đối với người làm nghề kế toán cần có khả năng vừa áp dụng vừa giám sát công nghệ tự động hóa công tác quản trị. Ví dụ: nhận thức học máy là một yêu cầu cơ bản nhưng có thể mở rộng đến phát triển và thử nghiệm các mô hình cũng như các thuật toán kiểm toán Pan và cộng sự (2019).

Giải quyết vấn đề: là kỹ năng giúp kế toán có thể dựa trên dữ liệu và công nghệ để đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp của khách hàng của họ Blackline (2020). Một trong kỹ năng quan trọng nhất của họ là lấp đầy khoảng trống và đưa ra các quyết định đúng đắn về tài chính CAANZ (2017).

Am hiểu về môi trường kinh doanh: yêu cầu của công việc kế toán là người làm nghề phải hiểu được môi trường kinh doanh và phải dự báo trước về tình hình kinh doanh để có thể nắm bắt và khai thác được các cơ hội mới. Người làm kế toán phải thể hiện được sự nhạy bén trong kinh doanh và am hiểu toàn diện về khách hàng, doanh nghiệp và môi trường mà họ hoạt động. Các chuyên gia kế toán cần có kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong công việc, từ khả năng tương tác hiệu quả với khách hàng, đến việc tự chủ và tạo động lực cho các thành viên trong nhóm giờ đây cũng là một phần không thể thiếu đối với vai trò kế toán Blackline (2020). Tùy vào lĩnh vực, quy mô tổ chức mà các khả năng cần thiết có thể khác nhau. Giao tiếp, quản lý công việc và xây dựng mối quan hệ là quan trọng nhất đối với các tổ chức nhỏ trong khi sử dụng công nghệ mới nhất ít quan trọng hơn CAANZ (2017).

Với mục tiêu hướng đến sự hội nhập trong khu vực và trên toàn thế giới, Ban chủ nhiệm Khoa cùng các giảng viên luôn chú trọng đến chất lượng đào tạo và thường xuyên cập nhật cải tiến các môn học để người học có nền tảng và kiến thức chuyên ngành hội nhập và đáp ứng được các yêu cầu của các DN trong và ngoài nước. Các môn học luôn được dạy và áp dụng thực tiễn ngay từ khi các bạn sinh viên còn đang học tại trường đã giúp ích được rất nhiều cho việc đáp ứng các yêu cầu của DN trong thời đại kĩ thuật số. Bên cạnh đó Khoa luôn cố gắng lồng ghép các môn học theo các chương trình của các Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế như ICEAW trong chương trình đào tạo để sinh viên có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đem lại sự tự tin cho sinh viên và niềm yêu thương, tin cậy gửi gắm của các bậc phụ huynh đối với tương lai con em mình.

GV. Trần Thị Hương Giang

Call Now