GÓC NHÌN VỀ CHÍNH SÁCH KÍCH CẦU KINH TẾ TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng leo thang và có xu hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới khi mà các biến chủng mới liên tục xuất hiện trên nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đang ở mức nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam và đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đại dịch đang gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế xã hội tại Việt Nam nói chung và các khu vực này nói riêng, trong đó, Covid-19 đã ảnh hưởng rất đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của cả nước trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt hơn, sự ngưng trệ của nền kinh tế do dịch bệnh đang làm bộ phận lớn người lao động bị mất việc, giảm thu nhập hoặc không thể tạo ra thu nhập cũng đang trở nên trầm trọng. Các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh kéo dài, chi phí trả lương cho người lao động vượt qua giai đoạn dịch bệnh, lãi suất vay ngân hàng, … đã làm cho doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính và đứng trước nguy cơ không thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Đứng trước những hệ lụy và nguy cơ đó, vai trò của chính sách kích cầu nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Rất nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các gói trợ giúp xã hội, trợ giúp kinh tế thông qua các khoản trợ cấp cho đối tượng là cá nhân thuộc thành phần dễ bị thương tổn và các doanh nghiệp đã và đang cần hỗ trợ vốn để tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới là cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Theo bài viết tổng hợp của Nguyễn Tú Anh (2021), chính phủ đã triển khai nhiều chính sách kích cầu điển hình như sau:

  • Đối với nhóm giải pháp thứ nhất, Chính phủ đã thực hiện gói 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn còn khá thấp. Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và mang tính chất an sinh hơn là chính sách kích cầu.

  • Đối với nhóm giải pháp thứ hai, Chính phủ cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi như cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; thực hiện các chương trình ưu đãi; giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm giá điện, xăng dầu, dịch vụ,… cho một số đối tượng ưu tiên;…

Cắt giảm thuế là gói thứ ba, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP nhằm mục đích co phép người nộp thuế được giản thời gian nộp thuế, tiền thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp có dòng tiền bù đắp ảnh hưởng của dịch bệnh, giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi hầu hết các doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ, các biện pháp về giảm thuế thu nhập nhìn chung không có tác dụng lớn như kỳ vọng. Cái khó khăn và cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ vốn cho duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, song đến nay, ngoài các chính sách về thuế, phí và các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng thì Nhà nước chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ tài chính đủ lớn để doanh nghiệp có được nguồn vốn cần thiết nhằm không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này, mà còn tạo thế, lực, tận dụng cơ hội phát triển bứt phá cho chu kỳ kinh tế mới sau khi dịch bệnh qua đi. Trong bối cảnh đó, kích cầu cũng có thể được thực hiện thông qua giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đem lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng và người tiêu dùng; đồng thời, gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp giải phóng hàng hóa, tránh tình trạng tồn kho và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả cho thấy việc giảm VAT có tác động tích cực tới các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam như tổng cầu cuối cùng, GDP và tiêu dùng.

Đối với nhóm giải pháp tăng cường đầu tư công được xem là gói thứ tư, tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, nguồn lực tài chính ưu tiên dùng cho khoản chi cấp thiết khác như mua sắm trang thiết bị y tế, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, … đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn vốn của chính phủ. Do đó, giải pháp này được xem như là khó khả thi vì thiếu nguồn trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi vẫn tin rằng Chính phủ Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ thực thi các gói cứu trợ hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và các gói trợ giúp vốn cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh là cấp thiết.

Tác giả: ThS. Nguyễn Ngọc Phong Lan

Call Now