Ngân hàng kỹ thuật số – sự phát triển tất yếu của ngành ngân hàng Việt Nam

1. Khái niệm ngân hàng số
Ngân hàng kỹ thuật số là xu hướng phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, các ngân hàng thương mại tiến hành các giao dịch ngân hàng như gửi tiền, chuyển khoản, rút tiền, quản lý tài khoản vãng lai và tiết kiệm, cho vay quản lý, thanh toán hóa đơn, áp dụng cho các sản phẩm tài chính và dịch vụ tài khoản thông qua một nền tảng điện tử (Don 2016). Ngân hàng kỹ thuật số là quá trình số hóa tất cả các hoạt động ngân hàng chỉ có sẵn trong một chi nhánh ngân hàng cho khách hàng của mình (Howcroft và cộng sự 2002).
Theo Sarma, 2017 thì ngân hàng kỹ thuật số là sự chuyển đổi của tất cả các các hoạt động và dịch vụ ngân hàng vào môi trường kỹ thuật số, thực hiện sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính cho khách hàng và khách hàng thương mại trên thiết bị di động, kỹ thuật số, AI và chiến lược thanh toán, regtech, dữ liệu, blockchain, API, kênh phân phối và công nghệ.
Nói chung, ngân hàng số là một hoạt động mô hình dựa trên nền tảng công nghệ để trao đổi thông tin và thực hiện các giao dịch giữa các ngân hàng và khách hàng. Quá trình này được thực hiện thông qua các thiết bị kỹ thuật số được kết nối với phần mềm máy tính trên internet. Khách hàng không cần phải đến cơ sở chi nhánh ngân hàng để thực hiện giao dịch và ngược lại, ngân hàng cũng không phải gặp khách hàng để hoàn thành giao dịch.
2. Lợi ích của ngân hàng số
Đối với ngân hàng
– Giảm chi phí, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ và lợi thế cạnh tranh. Thực tế triển khai ngân hàng số giúp giảm chi phí vận hành khoảng 20–25% và do đó, làm tăng tính cạnh tranh cạnh các ngân hàng (Olanrewaju 2018)
– Giảm thủ tục hành chính, giảm lưu trữ chứng từ, tăng tốc độ giao dịch.
– Giúp ngân hàng giảm nhân sự tại các quầy giao dịch do tự động hóa quy trình, giảm các sai sót, nâng cao sự an toàn trong thực hiện giao dịch.
– Giúp ngân hàng thực hiện lien kết với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty tài chính thực hiện bán chéo các sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu cho khách hàng.
– Đối với ngân hàng, tăng mức độ hiệu quả kinh doanh, gia tăng độ chính xác. Các giao dịch được ghi nhận và thực hiện chính xác tuyệt đối.

Đối với khách hàng

– Ngân hàng số cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng truyền thống như thanh toán, chuyển khoản, gửi tiết kiệm, cho vay,…..thông qua website hoặc ứng dụng di động giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thuận tiện nhanh chóng, hiệu quả đặc biệt đối với các khách hàng bị giới hạn về thời gian khi thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.
– Sử dụng dịch vụ ngân hàng số giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại và phí dịch vụ ngân hàng so với việc giao dịch trực tiếp với ngân hàng. Các giao dịch với ngân hàng của khách được thực hiện nhanh chóng mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc vào thời gian hay không gian… chỉ cần khách hàng sử dụng thiết bị di động thông minh và có kết nối intermet.
– Khách hàng dễ dàng quản lý tài khoản của mình thông qua app ngân hàng hoặc qua website. Tạo được sự an toàn và sự tin tưởng của khách hàng khi sử dụng ngân hàng số.
Nhìn chung, từ quan điểm của cả hai ngân hàng và khách hàng, các dịch vụ ngân hàng dựa trên điện tử thuận tiện hơn và ít tốn kém hơn so với dựa trên chi nhánh thông thường dịch vụ (Alam và cộng sự 2007).
– Bảo mật thông tin an toàn nhờ lớp bảo vệ bằng mật khẩu, xác thực mã OTP.
Đối với toàn bộ nền kinh tế

– Giúp ngân hàng nhà nước dễ dàng thực hiện chính sách tài khóa vì quản lý được khối lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế.

– Tối ưu hóa hệ thống tài chính quốc gia vì ngân hàng số tạo ra sự liên thông giữa các tổ chức tài chính.
– Giúp Nhà nước có thông tin đầy đủ và cụ thể về việc nộp thuế một cách nhanh chóng và đầy đủ.

– Tạo sự kết nối với các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng số.

3. Phân biệt ngân hàng số và ngân hàng điện tử
Vì sở hữu nhiều yếu tố giống nhau nên nhiều người thường nhầm lẫn ngân hàng số với ngân hàng điện tử. Vì thế để phân biệt ngân hàng số và ngân hàng điện tử, các bạn hãy theo dõi bảng so sánh sau:

Đặc điểm

Ngân hàng số

Ngân hàng điện tử
Định nghĩa Ngân hàng số tất cả các hoạt động cũng như dịch vụ ngân hàng truyền thống. Cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng điện tử của các ngân hàng.
Phương tiện hoạt động Live Bank, Website, thiết bị di động. Ứng dụng trên điện thoại di động, laptop có kết nối mạng.
Hoạt động chính ·         Rút tiền, chuyển tiền.

·         Gửi tiết kiệm kỳ hạn, không kỳ hạn.

·         Quản lý tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm.

·         Vay vốn ngân hàng, vay tiêu dùng.

·         Thanh toán hoá đơn chi tiêu, mua sắm, Online.

·         Dịch vụ tiện ích khác.

·         Chuyển tiền trong và ngoài hệ thống.

·         Thanh toán hoá đơn điện tử.

·         Gửi tiền tiết kiệm Online.

·         Truy vấn số dư tài khoản.

4. Thực trạng sử dụng ngân hàng số tại Việt Nam
Trong bối cảnh dịch covid bùng phát mạnh mẽ trong năm 2021 đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của khách hàng, các ngân hàng thương mại vì thế đã thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phát triển ngân hàng số nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuy nhiên vẫn chưa có ngân hàng số thuần túy hoạt động. Có 95% các ngân hàng đã và đang hướng đến xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có 88% các ngân hàng lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ hoặc số hóa toàn bộ; số ít ngân hàng (6%) dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng. Hiện nay, hầu như các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, eKYC… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng.
Các ngân hàng thành lập các bộ phận nghiên cứu phát triển chuyển đổi số, hoàn thiện quy trình chuyển đổi sồ cũng như giao tiếp trên ngân hàng số như ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho ra đời ngân hàng livebank, ngân hàng số vietcombank, NHTM Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã cho ra đời không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA; Hay như NHTM Cổ phần Phương Đông (OCB) đã xây dựng kênh OCB OMNI.
Ngoài ra, mô hình hợp tác giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính hay công ty công nghệ Fintech,… giúp cho khách hàng trải nghiệm được nhiều dịch vụ tiện ích, thích thú và tiếp cận đa dạng hóa dịch vụ, tiết kiệm thời gian giao dịch và chi phí dịch vụ. Điển hình sự hợp tác giữa VietinBank với Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp; Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+…
Thời gian qua, các NHTM ở Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai chuyển đổi số và đạt được kết quả tích cực. Theo vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tính đến thết quý 3 năm 2021, số lượng tài khoản cá nhân 110.920 nghìn tài khoản với số dư khoảng 794.241 tỷ đồng, số lượng thẻ phát hành 100 triệu thẻ nội địa và 21 thẻ quốc tế . Các giao dịch internet banking và mobile banking cũng được phát triển với số lượng giao dịch của internet banking (8.44.405 tỷ) và 4.993.449 tỷ đối với giao dịch Mobile Banking. Các ngân hàng đều trang bị thiết bị máy ATM máy Post với số lượng giao dịch khá lớn với giá trị giao dịch 513.657 tỷ đồng (ATM) và 139.126 tỷ đồng (POS). Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các các phương tiện thanh toán như thẻ ngân hàng, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu và các phương tiện thanh toán khác này càng gia tăng cả về số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Tính đến quý 3 năm 2021, khách hàng sử dụng thanh toán thông qua lệnh chi, ủy nhiệm chi là 34.408.910 tỷ đồng, các hoạt động nhờ thu và ủy nhiệm thu là 1.572.392 tỷ đồng,….Với sự phát triển của công nghệ và thay đổi hành vi của người tiêu dùng, ngân hàng số hiện đang ngày càng được chấp nhận và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Như vậy sự phát triển ngân hàng kỹ thuật số là hết sức cần thiết và đáp ứng sự phát triển của khoa học công nghệ ngân hàng và tăng khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Bài viết mang tính chất tham khảo. Cảm ơn quí bạn đọc đã quan tâm!

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Điểm

Khoa Tài chính – Kế toán

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Call Now