Nhìn Lại Kinh Tế Việt Nam Năm 2023

Năm 2023 đã đi qua, mặc dù đã được dự báo sẽ diễn biến khó lường, thách thức còn nhiều hơn cơ hội nhưng trên thực tế còn bất ổn hơn rất nhiều. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng Trung ương liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina tiếp tục kéo dài; Trung Quốc thắt chặt chính sách Zero COVID; xung đột tại dải Gaza (Trung Đông) đã kéo theo nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế GDP cả năm 2023 của Việt Nam ước tính tang 5,05%, dù không đạt được mục tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn được đánh giá là một con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

 

Hình 1: Tốc độ tăng GDP (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước là: tháng 1 giảm 11,3%; tháng 2 tăng 7%; tháng 3 giảm 2%; tháng 4 giảm 2,4%; tháng 5 tăng 0,5%; tháng 6 tăng 1,7%; tháng 7 tăng 2,3%; tháng 8 tăng 3,5%; tháng 9 tăng 2,9%; tháng 10 tăng 4,2%; tháng 11 tăng 5% và tháng 12 ước tăng 5,8%.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước, vận chuyển hành khách tăng 12,3% và luân chuyển tăng 24,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,4% và luân chuyển tăng 10,8%.

Hình 2: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2023 khởi sắc hơn so với các quý trước, góp phần đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 tăng 6,2%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm.

Hình 3: Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2023 đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước do nhu cầu suy giảm chung trên toàn cầu. Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.

Hình 4: Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

Hình 5: Tốc độ tăng giảm CPI bình quân năm 2023 so với năm trước (%) (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Kết luận lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi thì mức tăng trưởng của Việt Nam khá tích cực, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Đưa tin: ThS. Trần Thị Thúy

Call Now