Việt Nam dù luôn nằm trong tốp những nền kinh tế có mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong hai thập niên qua, nhưng vẫn luôn đối diện với những điểm yếu cố hữu. Có ba điểm yếu cố hữu trong nền kinh tế Việt Nam:
1) Luôn tiềm ẩn lạm phát do là một nền kinh tế dựa nhiều vào nguồn vốn vay của hệ thống ngân hàng. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, báo điện tử chính phủ ngày 07/04/2023 mức lạm phát trong năm 2022, là 4% vẫn còn khá lớn.
2) Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu và huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài nên tỷ giá và việc duy trì ổn định tỷ giá luôn là một ưu tiên hàng đầu. Theo bài viết của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm qua phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.
3) Cả xã hội đều đang mắc kẹt trong bất động sản.
Trong thập niên qua, với sự nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vấn đề lạm phát và tỷ giá đã được ổn định, từ đó tạo tiền đề ổn định cho hoạt động kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vấn đề bất động sản vẫn đang là một bài toán nhức nhối, thậm chí đang ngày càng trầm trọng với sự bất cân đối ngày càng lớn giữa các phân khúc nhà ở, rồi các đợt sốt đất vô căn cứ diễn ra trên diện rộng khắp cả nước. Vì vậy ngay từ những tháng đầu năm 2023,Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ với 63 địa phương chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khan cho nhiều lĩnh vực có liên quan (Báo nhịp sống thị trường)
- Giá nhà đất cao là nút thắt của nền kinh tế và hệ thống tài chính
Dữ liệu về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy vai trò thống trị của nhóm ngành bất động sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp cũng như các ngành nghề khác lại có dòng vốn đầu tư rất hạn chế. Điều này diễn ra không chỉ trong năm 2022 mà là xu hướng tất yếu trong nhiều năm qua. Dư nợ vay bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ của ngân hàng. Nếu loại trừ ngành ngân hàng vốn dĩ là kênh bơm vốn chính cho cả nền kinh tế thì bất động sản có thể được xem là ngành quan trọng thứ hai ở Việt Nam.
Ở góc nhìn vĩ mô, bất động sản đang tạo ra một nút thắt lớn cho nền kinh tế về dòng chảy của vốn của các thành phần kinh tế. Gần như nguồn tiền thặng dư của doanh nghiệp và cá nhân đều đang được đổ vào thị trường bất động sản vừa như một kênh sinh lời ngắn hạn và cũng vừa là một kênh tích lũy trong dài hạn, với kỳ vọng mức sinh lời vượt trội, ảnh hưởng trực tiếp đến các kênh đầu tư tài chính truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu.
Đợt thanh lọc thị trường trong năm 2023 thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc làm trong sạch thị trường, đồng thời tạo những tiền đề thuận lợi cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới. Khi kênh đầu tư bất động sản không còn tạo ra nút thắt thì dòng vốn sẽ tất yếu được điều chỉnh hướng về các kênh đầu tư dài hạn như cổ phiếu và trái phiếu để khơi thông nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp.
Ths. Võ Hữu Sang